Cencon Việt Nam | Tin tức thị trường | VÌ SAO VÀNG LẠI ĐẮT ?


19/02/2021 - 5:04 PM

Khi nhắc đến việc đầu tư vào thứ kim loại hoàng gia này, các nhà đầu tư hiện nay có rất nhiều lựa chọn khác nhau, từ các quỹ ETFs vàng, đến cổ phiếu vàng, hoặc thậm chí là mua vàng vật chất. Nhưng chính xác thì mục đích của vàng là gì? Và tại sao các nhà đầu tư lại nên bỏ vốn vào thị trường vàng?

 

Chính hai câu hỏi này đã tạo ra hai nhóm các nhà đầu tư vàng đối lập trong nhiều thập kỷ qua. Một trường phái tư tưởng cho rằng vàng chỉ đơn giản là một di tích cổ xưa, không còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ như trước đây. Trong môi trường kinh tế hiện đại, nơi mà tiền giấy phổ biến hơn cả thì thực tế mà nói lợi ích duy nhất của vàng là vật liệu tạo ra trang sức.
 
Ngược lại, một nhóm tư tưởng khác lại khẳng định rằng vàng là một tài sản có giá trị nội tại (intrinsic value) đa dạng, khiến nó trở nên độc đáo và thiết yếu đến mức các nhà đầu tư đưa chúng vào trong danh mục đầu tư của mình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào mục đích của vàng trong thời hiện đại, lý do mà nó vẫn nằm trong tổ hợp đầu tư của nhiều người, và một số phương thức đầu tư vào thị trường vàng mà mọi người có thể áp dụng.

LƯỢC SỬ VỀ VÀNG

Để hiểu rõ về mục đích sử dụng của vàng, chúng ta nên quay lại xuất phát điểm của thị trường vàng. Mặc dù lịch sử của vàng đã bắt đầu từ năm 3000 TCN, khi người Ai Cập cổ đại sáng tạo ra đồ trang sức, thì chỉ đến năm 560 TCN thì vàng mới được coi là một loại tiền tệ. Tại thời điểm đó, các thương gia muốn tạo ra một hình thức tiền tệ tiêu chuẩn và dễ trao đổi để có thể đơn giản hóa các cuộc mua bán. Trong khi đó trang sức bằng vàng  đã được công nhận và sử dụng rộng rãi trên trên toàn cầu, vì vậy việc tạo ra một đồng tiền vàng được khắc dấu dường như chính là câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên.
 
Sau khi trở thành một loại tiền tệ, vàng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lịch sử đã có những ví dụ về ảnh hưởng của vàng tại những đế chế khác nhau, chẳng hạn như Hy Lạp và đế quốc La Mã. Anh quốc đã tự đúc đồng tiền kim loại riêng cho mình vào năm 1066. Đồng bảng Anh (tượng trưng bởi đồng một bảng bằng hợp kim bạc), đồng si-ling và các đồng xu penni đều biểu tượng cho số lượng vàng (hoặc bạc) nhất định. Về sau này, vàng trở thành biểu tượng cho sự giàu có trên khắp châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
 
Đến năm 1792, chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục với truyền thống này bằng cách thiết lập tiêu chuẩn lưỡng kim. Tiêu chuẩn lưỡng kim chỉ đơn giản khẳng định rằng, mỗi đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ phải được bảo đảm bởi vàng hoặc bạc. Ví dụ, 1 đô la Mỹ tương đương với 24,75 hạt vàng. Nói cách khác, các đồng tiền đó không những được coi là một loại tiền tệ mà còn tượng trưng cho vàng (hoặc bạc) mà lúc đó người dân gửi vào ngân hàng. 
 
Nhưng chế độ bản vị vàng này lại không kéo dài mãi mãi. Vào những năm 1900, đã có một số sự kiện quan trọng xảy ra khiến vàng bị đưa ra khỏi hệ thống tiền tệ. Cụ thể là đến năm 1913, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ được thành lập và bắt đầu phát hành kỳ phiếu (một phiên bản cũ của tiền giấy lúc đó) để bảo đảm cho các chứng phiếu có thể được bồi hoàn bằng vàng theo yêu cầu. Đạo luật Dự trữ vàng năm 1934 quy định chính phủ Hoa Kỳ có quyền sở hữu tất cả các đồng tiền vàng đang được lưu thông, và đặt dấu chấm hết cho mọi hoạt động đúc tiền vàng mới. Nói tóm lại, hành động này đã nhen nhóm một quan niệm rằng vàng hoặc các đồng tiền vàng đã không còn cần thiết trong vai trò tiền tệ nữa. Hoa Kỳ từ bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971 khi đồng đô la Mỹ có thể tự lưu thông và không còn phụ thuộc vào vàng.

 TẦM QUAN TRỌNG CỦA VÀNG TRONG NỀN KINH TẾ HIỆN ĐẠI

Vậy nếu vàng không còn bảo đảm cho đồng đô la Mỹ (hoặc các đồng tiền khác trên thế giới) thì tại sao cho đến ngày nay nó vẫn còn quan trọng như vậy? Câu trả lời đơn giản là cho dù vàng không còn là trung tâm của mọi cuộc giao dịch thông thường, nó vẫn có một vị trí trọng yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Để hiểu được ý kiến này, bạn chỉ cần nhìn vào bảng cân đối kế toán dự trữ của các ngân hàng trung ương cũng như các tổ chức tài chính khác, ví dụ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hiện nay, các tổ chức này có trách nhiệm giữ khoảng một phần năm lượng cung ứng vàng trên thế giới. Ngoài ra, một số ngân hàng trung ương cũng đang nỗ lực bổ sung thêm vào dự trữ vàng hiện tại của mình.

 VÀNG BẢO TOÀN CHO CỦA CẢI

Vì sao vàng lại quan trọng đến vậy trong nền kinh tế hiện đại?  Bởi vì thực tế thì Vàng là phương tiện duy nhất để duy trì và lưu giữ của cải qua hàng ngàn thế hệ. Và đương nhiên, đây lại là điều tiền giấy có mệnh giá  không thể làm được. Hãy xem xét cụ thể ví dụ sau đây.
Ví dụ - Vàng, Tiền và Lạm Phát
Vào những năm 1970, 1 ounce vàng tương đương với 35 đô la Mỹ. Hãy lấy ví dụ rằng, tại thời điểm đó, bạn có hai lựa chọn: một là giữ 1 ounce vàng đó và hai là chỉ giữ 35 đô. Cả hai thứ đều chỉ mua được cho bạn cùng một loại sản phẩm, chẳng hạn là một bộ com lê đi làm mới toanh. Nếu như bạn để nguyên 1 ounce vàng đó bây giờ và sau này mới đổi thành tiền, thì có lẽ vẫn đủ để mua bộ com lê này. Thế nhưng, với 35 đô thì đó khó có thể trở thành hiện thực. Tức là, bạn sẽ mất một lượng tài sản đáng kể nếu bạn chọn 35 đô, ngược lại, bạn sẽ giữ được chúng nếu bạn lựa chọn phương án đầu tiên. Lý do là vì giá trị của vàng khi đó đã tăng còn giá trị của tiền thì lại giảm bởi tác động của lạm phát.

 VÀNG LÀ CÔNG CỤ BẢO HIỂM RỦI RO

Quan niệm cho rằng vàng giữ gìn giá trị của cải càng trở nên quan trọng hơn trong môi trường kinh tế nơi mà các nhà đầu tư phải đối mặt với đồng đô giảm giá và lạm phát tăng cao (do giá hàng hóa tăng cao). Trong lịch sử, vàng chính là công cụ ngăn chặn cả hai viễn cảnh trên. Nếu lạm phát tăng, vàng thường tăng giá. Khi các nhà đầu tư nhận ra rằng tiền của họ đang mất dần giá trị, họ sẽ bắt đầu chuyển sang đầu tư vào các tài sản hữu hình luôn duy trì giá trị của mình. Những năm 1970 chính là một ví dụ điển hình của việc tăng giá của vàng trong lúc lạm phát gia tăng. 
Vàng được lợi từ việc đồng đô la Mỹ giảm giá là do vàng được định giá bằng chính đồng tiền này trên toàn cầu. Có hai lý do cho mối quan hệ này. Thứ nhất, những nhà đầu tư đang xem xét mua vàng (ví dụ như ngân hàng trung ương) sẽ phải bán đồng đô la của mình để thực hiện giao dịch này. Hành động này cuối cùng sẽ khiến đồng đô la Mỹ mất dần giá trị của mình. Thứ hai, trên thực tế, đồng đô la suy yếu khiến giá vàng rẻ hơn, kết quả là nhu cầu về vàng của các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác mà được đánh giá cao hơn tương đối so với đồng đô la Mỹ sẽ tăng mạnh.

VÀNG LÀ MỘT LỰA CHỌN AN TOÀN

Cho dù đó là những căng thẳng ở Trung Đông, châu Phi hay ở bất kỳ nơi nào khác, thì rõ ràng rằng bất ổn chính trị và kinh tế là một thực tế xảy ra trong môi trường kinh tế hiện đại của chúng ta. Vì vậy, các nhà đầu tư thường xem vàng như một lựa chọn an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế. Tại sao? Lịch sử loài người luôn xoay quanh sự sụp đổ của các đế quốc, các cuộc đảo chính, và sự sụt giá của các đồng tiền. Trong những khoảng thời gian đó, nhà đầu tư nào giữ vàng thì đều có thể bảo vệ được tài sản của họ, và trong một số trường hợp, họ thậm chí còn sử dụng vàng để thoát khỏi chính tình trạng hỗn loạn đó. Bởi vậy, bất cứ khi nào có sự kiện hay tin tức có liên quan đến bất ổn, các nhà đầu tư thường mua vàng như một sự lựa chọn an toàn.

VÀNG LÀ MỘT KHOẢN ĐẦU TƯ CÓ KHẢ NĂNG ĐA DẠNG HÓA

Lý do cuối cùng mà các nhà đầu tư nên sở hữu vàng là vì nó có thể đa dạng hóa. Bất kể bạn đang lo lắng về lạm phát, về đồng đô la Mỹ giảm giá, hoặc thậm chí muốn bảo vệ tài sản của mình, hiển nhiên rằng từ trước đến nay vàng luôn một khoản đầu tư có thể tăng tính đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn. Cuối cùng, nếu bạn chỉ đơn giản là tập trung vào đa dạng hóa, thì vàng không hề tương quan với cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. 

NHỮNG PHƯƠNG THỨC SỞ HỮU VÀNG

Một trong những điểm khác biệt chính giữa đầu tư vào vàng vài trăm năm trước đây và đầu tư vào vàng bây giờ là có nhiều lựa chọn hơn để ta có thể hưởng lợi ích từ những giá trị nội tại của vàng. Hiện nay, nhà đầu tư có thể đầu tư vào vàng bằng cách mua:
  • Vàng tương lai (Glod future)
  • Tiền vàng (Gold coins)
  • Các công ty vàng (Gold Companies)
  • Quỹ ETFs vàng (Gold ETFs)
  • Các quỹ vàng (Gold Mutual Funds)
  • Vàng thoi (Gold Bullion)
  • Trang sức bằng vàng (Gold jewelry)

KẾT LUẬN

Khoản đầu tư nào cũng có lợi thế của riêng nó. Nếu bạn quan tâm đến việc giữ vàng thỏi hơn thì mua cổ phần trong một công ty khai thác vàng có lẽ không thể giải quyết được vấn đề này. Thay vào đó, bạn có thể muốn xem xét việc đầu tư vào tiền vàng, vàng thỏi, hoặc đồ trang sức. Nếu mục đích chính của bạn là sử dụng đòn bẩy để thu được lợi nhuận từ việc tăng giá vàng, thị trường vàng tương lai có thể là câu trả lời hợp lý cho bạn.
Bài viết cùng chuyên mục

Giá vàng

Ngoại tệ

Biểu đồ

Lượt truy cập

Đang Online: 242
Lượt đã truy cập: 12000048